Home / TIN TỨC / Phân biệt cảm lạnh và cảm cúm

Phân biệt cảm lạnh và cảm cúm

Cảm lạnh và cảm cúm thường xảy ra phổ biến khi thời tiết giao mùa, nóng ẩm thất thường. Đánh giá theo mức độ nghiêm trọng thì bệnh cúm nguy hiểm hơn cảm lạnh rất nhiều. Để phân biệt được 2 loại bệnh này, mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây.

Bệnh cúm ở phụ nữ mang thai hay gây biến chứng phổi hoặc sẩy thai. Nếu mắc trong 3 tháng đầu có thể gặp bệnh lý ở thai nhi, nhất là bệnh lý về hệ thần kinh trung ương, dị tật bẩm sinh.

Biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh cúm là hội chứng Reye (gây sưng tấy trong gan và não). Mặc dù hội chứng này rất ít gặp nhưng biến chứng rất trầm trọng và tỷ lệ tử vong rất cao. Hội chứng Reye thường gặp nhất ở trẻ từ 2 đến 16 tuổi, vài ngày sau khi bị cúm. Khi các triệu chứng của cúm có vẻ như đang bớt dần, trẻ đột nhiên buồn nôn và nôn mửa. Sau đó khoảng 1-2 ngày, trẻ chuyển mê sảng, co giật rồi đi dần vào hôn mê và có thể tử vong.

Bài viết này sẽ giúp bạn phân biệt cảm lạnh và cảm cúm cũng như cách xử lý khi nhiễm bệnh.

Tìm hiểu: Lo lắng khi trẻ bị ngứa hậu môn về đêm

Dấu hiệu nhận biết giữa cảm lạnh và cảm cúm

Triệu chứng của cảm lạnh và cúm khá giống nhau

1. Cảm lạnh

Bệnh cảm thông thường hay còn gọi là cảm lạnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong năm nhưng phổ biến hơn vào những tháng mùa đông, do hầu hết vi-rút gây cảm lạnh đều phát triển mạnh ở độ ẩm thấp.

Có hơn một trăm loại vi-rút gây bệnh cảm lạnh, nhưng Rhinovirus là loại thường gặp nhất và rất dễ lây. Rhinovirus chủ yếu gây bệnh ở mũi. Đó là lý do vì sao khi bị cảm lạnh chắc chắn sẽ hắt hơi liên tục, dễ nghẹt mũi hoặc sổ mũi hơn khi bị cảm cúm.

Đọc thêm: Bé bị cảm lạnh uống thuốc gì?

2. Cảm cúm

Bệnh cảm cúm còn được gọi là cúm mùa, thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa, đỉnh điểm là các tháng mùa đông. Bệnh cúm gây ra bởi ba chủng vi-rút cúm là A, B và C. Trong đó, cúm A và B là hai chủng gây bệnh phổ biến nhất.

Các triệu chứng xuất hiện sau khi vi-rút đã xâm nhập vào cơ thể một ngày và kéo dài 5 đến 7 ngày. Người nhiễm cảm cúm thường phải tạm ngưng công việc hàng ngày do cơ thể bị kiệt sức với những cơn sốt dai dẳng ở 38°C – 40°C, toàn thân run rẩy, ớn lạnh,.v.v

Điều trị cảm lạnh và cảm cúm

1. Cảm lạnh

Hiện nay không có thuốc điều trị và vắc-xin dự phòng cảm lạnh. Người bệnh có thể dùng một số loại thuốc không cần kê đơn như thuốc kháng Histamin, Paracetamolhoặc NSAID để điều trị triệu chứng tại chỗ và nâng cao thể trạng. Bạn nên vệ sinh mũi sạch sẽ để tránh các triệu chứng như sổ mũi, nghẹt mũi trở nặng.

Cảm lạnh thông thường có thể khỏi sau 7 đến 10 ngày. Trong trường hợp bệnh không thuyên giảm và có xu hướng trở nặng hơn sau một tuần, người bệnh cần thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị chính xác.

2. Cảm cúm

Hiện nay, vắc-xin được phát triển liên tục mỗi năm để thích ứng với hầu hết các chủng cúm. Những loại vi-rút có trong vắc-xin sẽ thay đổi hàng năm dựa theo nghiên cứu và dự đoán của các nhà khoa học về chủng vi-rút nào sẽ lây truyền trong năm dự báo.

Nghỉ ngơi và uống nhiều nước là lời khuyên đầu tiên dành cho bệnh nhân cảm cúm. Một số loại thuốc không cần kê đơn như Acetaminophen hoặc Ibuprofen có thể giúp kiểm soát triệu chứng và phục hồi thể trạng. Tuyệt đối không dùng Aspirin để hạ sốt cho trẻ em, bởi nó làm tăng nguy cơ gây hội chứng Reye rất nguy hiểm.

Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng vi-rút -oseltamivir (Tamiflu), zanamivir (Relenza) hoặc peramivir (Rapivab) – để điều trị cúm. Những loại thuốc này có thể rút ngắn thời gian bệnh và ngăn ngừa các biến chứng như viêm phổi. Tuy nhiên, thuốc chỉ phát huy hiệu quả khi sử dụng trong vòng 48 giờ từ khi bắt đầu triệu chứng.

Trẻ em, người già, phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú, người có hệ miễn dịch yếu, người đang hóa trị hoặc điều trị Steroid, người mắc bệnh tim, thận, tiểu đường hoặc người thiếu máu cần liên lạc bác sĩ ngay khi có các triệu ứng của cúm.

Phòng ngừa cảm lạnh và cảm cúm

➤ Đối với cúm, cách tốt nhất để phòng tránh bệnh là tiêm vắc-xin ngừa cúm hàng năm, hiệu quả chống nhiễm bệnh lên đến 70% cho cả người lớn và trẻ em.

➤ Dùng khăn giấy che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi.

➤ Giữ thói quen vệ sinh tay, mũi, họng sạch sẽ.

➤ Giữ vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát. Thường xuyên khử trùng vật dụng trong nhà như tay nắm cửa, lan can, đồ chơi của trẻ, v.v.

➤ Uống nhiều nước, ăn nhiều rau quả tươi và bổ sung dinh dưỡng tăng hệ miễn dịch.

➤ Chăm chỉ tập thể dục, ngủ đủ giấc, kiểm soát căng thẳng và giờ giấc sinh hoạt điều độ, hợp lý.

➤ Hạn chế tiếp xúc với người đang có dấu hiệu cảm, cúm cũng như hạn chế tiếp xúc với người khác khi bạn đang nhiễm bệnh.